Tin thư viện tháng 02/2022
TUYÊN TRUYỀN GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 2 CUỐN SÁCH:
TUỔI NHỎ HOÀNG VĂN THỤ - TÁC GIẢ XUÂN ĐÀI
NVTV: NGUYỄN THỊ ÁNH
Các em học sinh thân mến!
Nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam 03/02/1930 - 03/02/2022, thư viện xin giới thiệu cuốn sách “Tuổi nhỏ Hoàng Văn Thụ” của tác giả Xuân Đài do nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành. Hoàng Văn Thụ sinh ngày 4/11/1906, trong một gia đình nông dân dân tộc Tày có truyền thống yêu nước và hiếu học tại làng Phạc Lang, tổng Nhân Lý, châu Văn Uyên (nay là thôn Nhân Hòa, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn). Tên khai sinh là Hoàng Ngọc Thụ, lúc nhỏ là Hoàng Hảo Do.
Cuốn sách kể về tuổi thơ êm đềm của Hoàng Văn Thụ. Các cụ làng Phạc Lang ngày nay thường khuyên răn con cháu mỗi khi chúng sao nhãng chuyện học hành: Lên sáu tuổi Thụ đã chăm chỉ đèn sách, học một biết mười”. Ngay từ nhỏ Thụ đã được học cả chữ Hán và Quốc ngữ. Thụ rất thích nghe chuyện cổ tích, cùng các bạn nhỏ bày binh bố trận. Từ việc thích nghe cổ tích dẫn đến Thụ rất thích được học chữ để tự đọc truyện được. Chưa đến tuổi đi học, Thụ đã đòi bố cho đi học. Khi được đi học thì cậu giải toán rất nhanh và được thầy khen là bông hoa hồi thơm nhất làng.
Không chỉ học giỏi mà Thụ còn có những ứng xử khéo léo, tình cảm với cha mẹ, anh chị em trong gia đình. Đối với bạn bè, làng xóm Thụ có lòng tốt, dũng cảm cứu chữa người trong làng khỏi bệnh, cứu bạn khỏi đuối nước mà mọi người trong bản thường gọi là bị con ma bắt. Thụ còn dũng cảm dám thử sức chinh phục chú ngựa mà bố mới mua về.Tuổi thơ của Hoàng văn Thụ không chỉ gói gọn trong khuôn khổ sách giáo khoa mà Thụ còn rút ra các bài học ngoài sách giáo khoa. Đó là những câu chuyện kể của chú Hai khi đi lên rẫy làm để khi nghe ai cũng phải xót xa rơi lệ. Đặc biệt câu chuyện về đứa bé chết đuối oan uổng trong hố do người mẹ xin mà không được về khi trời mưa ập đến. Những câu chuyện của chú mở ra trước mắt Thụ bao điều mới lạ về cuộc sống, về đồng bào, về đất nước và làm thụ xao xuyến đến tận đáy lòng.
Sau khi học hết sơ đẳng trường tiểu học, Tháng 8/1923, trong khi giúp thầy tìm người thân Thụ lại gặp được bạn và nhờ đó Thụ biết và xin vào học tại trường Tiểu học Pháp - Việt (thị xã Lạng Sơn),Thụ đã kết bạn với Lương Văn Chi. Đôi bạn thân ở cùng nhau, cùng học một lớp. Đi đâu làm gì hai bạn cũng không rời nhau. Nhất là khi nghe tiếng bom Sa Điện của Phạm Hồng Thái đã làm hai bạn suy nghĩ và tìm hiểu thêm rất nhiều điều về cách mạng. Để rồi sau khi học xong Thụ đã từ giã những người thân yêu cùng Lương Văn Chi vượt biên sang Trung Hoa hoạt động, họ trở thành đôi bạn chiến đấu hiến dâng cả tuổi trẻ của mình cho cho lý tưởng, cho nhân dân, cho cách mạng. Khi ấy các anh vừa tròn 17 tuổi.
Không chỉ là người cán bộ, đảng viên lãnh đạo của Đảng gan dạ, dũng cảm, sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ do Đảng phân công, khi cách mạng cần, đồng chí Hoàng Văn Thụ còn là một người đồng chí chân thành, giản dị, gương mẫu trong cuộc sống, chan hòa, gần gũi với quần chúng, lôi cuốn và tập hợp, đoàn kết được mọi người, được đồng chí cảm phục, nhân dân yêu mến. Với các cơ sở cách mạng, đồng chí Hoàng Văn Thụ luôn hòa mình vào cuộc sống bình dị hằng ngày của đồng bào, cùng làm các công việc như một thành viên ruột thịt trong mỗi gia đình cơ sở, nên đi đến đâu cũng được dân thương, đùm bọc và nuôi giấu. Ở vùng mỏ Hà Lầm, Hòn Gai, đồng chí trực tiếp lao động như một công nhân thực thụ, khiêm tốn, chân thành, giản dị trong cuộc sống đời thường với những người công nhân. Sâu sát thực tiễn và gắn bó với cơ sở, nên dù hoạt động ở vùng biên giới Việt - Trung, khu mỏ, nhà ga, bến tàu hay trong Thành ủy Hà Nội, ở đâu đồng chí bí thư Xứ ủy cũng được cán bộ, đảng viên và quần chúng kính trọng, chở che.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Hoàng Văn Thụ không dài, nhưng tấm gương người cộng sản luôn đảm nhận những công việc khó, luôn gần dân, sâu sát địa bàn cơ sở và kiên cường, bất khuất trước kẻ thù của đồng chí được các thế hệ người Việt Nam ghi nhớ và tôn vinh đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Trong Đảng ta, các đồng chí Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thị Minh Khai và nhiều đồng chí khác đã vì dân, vì Đảng mà oanh liệt hy sinh, đã nêu gương chói lọi của đạo đức cách mạng chí công vô tư cho tất cả chúng ta học tập”./.