ĐIỂM SÁCH THÁNG 1 CUỐN SÁCH:
SỰ TÍCH NGÀY TẾT, SỰ TÍCH HOA MAI, HOA ĐÀO,
SỰ TÍCH BÁNH CHƯNG, BÁNH DÀY
Thời gian: Tháng 01 năm 2022
Người giới thiệu: Nguyễn Thị Ánh - NVTV
Đối tượng: Học sinh
Các em học sinh thân mến!
Cô rất vui khi gặp lại các em trong buổi giới thiệu sách tháng 1. Tháng 1 chủ đề của chúng ta là ngày tết, lễ hội và mùa xuân. Các em có thích Tết không nhỉ? Đúng rồi, tết đến chúng ta được nghỉ, được vui chơi, mặc quần áo đẹp và được nhận rất nhiều lì xì nữa! Nhưng ít bạn sẽ biết rằng tại sao lại có ngày Tết? Tại sao cứ mỗi dịp tết đến xuân về chúng ta lại sắm cành mai, cành đào để trong nhà và trong dịp tết cổ truyền Việt Nam hay tại sao trên mâm cúng gia tiên của bất kỳ gia đình nào cũng có bánh chưng xanh?
Để giải đáp những câu hỏi trên, hôm nay cô sẽ giới thiệu với các em cuốn sách “Sự tích ngày tết, Sự tích hoa đào, hoa mai và Sự tích bánh chưng, bánh dày”.
Cuốn sách đầu tiên cô sẽ giới thiệu với các em là: Sự tích ngày tết được Nguyễn Anh Vũ và Hoàng Khắc Huyền biên soạn do NXB Mĩ Thuật ấn hành năm 2017. Truyện kể rằng ngày xưa con người chưa biết tính thời gian và tính tuổi. Ở nước nọ có ông vua nổi tiếng thông minh và tài đức. Một lần ông muốn ban thưởng cho người già nhất trong nước. Nhưng chẳng làng nào chọn được người già nhất vì chẳng ai biết mình bao nhiêu tuổi. Nhà vua bèn cho sứ giả đi tìm các vị thần để hỏi cách biết người già nhất. Đó là những vị thần nào mời các em sẽ tìm hiểu từ trang 5-14 của cuốn sách. Sau khi hỏi các vị thần sứ giả cũng chưa biết được cách tính tuổi. Họ đang thất vọng thì gặp một bà cụ buồn rầu ngồi chăm chú trước cây hoa đào. Sứ giả hỏi ra mới biết bà đến hái hoa đào mỗi lần hoa nở để tưởng nhớ người con đi xa. Nhà vua được nghe lại câu chuyện bà cụ thì nghĩ ra cách tính tuổi con người. Cách tính như thế nào các em sẽ theo dõi tiếp trang 15 của cuốn sách nhé. Về phần nhà vua thì mỗi lần hoa đào nở vua cho được mở hội 3 ngày, 3 đêm để nhớ đến bà lão hái hoa đào. Những ngày vui ấy, sau này người ta gọi là Tết. Phong tục ấy còn truyền mãi đến bây giờ.
Cuốn sách thứ hai là: Sự tích Hoa đào, hoa mai do Hiếu Minh biên soạn và NXB Kim Đồng ấn hành năm 2016. Truyện kể rằng ở phía đông núi Sóc Sơn thuộc miền bắc nước ta có một cây đào cổ thụ, cành lá sum xuê khác thường. Cây đào này là nời trú ngụ của hai vị thần tên là Trà và Uất Lũy. Hai vị thần sức vóc phi thường, tinh thông võ nghệ. Nhưng thuở ấy, làng nào cũng bị ma quỷ quấy phá riêng núi Sóc Sơn thì không ma quỷ nào dám bén mảng. Như thường lệ cuối năm hai vị thần Trà và uất Lũy phải lên Thiên đình chầu Ngọc hoàng. Những ngày vắng mặt hai vị thần, người dân ngắt những cành đào về cắm trong nhà để bọn ma quỷ nhìn thấy mà tránh xa. Lâu dần tục lệ ấy được lan rộng ra và trở thành phong tục đẹp. Hoa đào thường có ở miền bắc nước ta.
Còn một loài hoa giống hoa đào nhưng màu vàng gọi là hoa mai, hoa mai thường được trồng ở miền trung, nam bộ. Sự tích hoa mai như thế nào các em sẽ xem ở trang 12 đến trang 31 của cuốn sách nhé.
Cuốn sách tiếp theo là: Sự tích bánh chưng, bánh dày do NXB Kim Đồng ấn hành năm 2014. Vua Hùng thứ 6 có 22 người con trai. Tất cả đều thông minh, văn võ song toàn. Trong đó chỉ có hoàng từ thứ 18 là Lang Liêu chỉ thích trồng trọt.
Khi vua Hùng đã già yếu, muốn kén chọn người kế vị, Vua phán truyền “Đến ngày hội lớn đầu năm, ai dâng được của ngon vật lạ nhất để cúng trời đất sẽ được ta truyền ngôi cao”.Các hoàng tử đua nhau lên rừng xuống biển tìm của ngon vật lạ. Riêng hoàng tử Lang Liêu nghĩ mình sẽ dâng vua cha sản vật từ chính đồng quê của mình. Chàng cùng vợ con chăm sóc cho cánh đồng lúa quê hương. Đến vụ bội thu, chàng suy nghĩ tìm cách làm bánh rồi ngủ thiếp đi mất, trong giấc mơ chàng được 1 vị nữ thần báo mộng ý nghĩa và cách làm các bánh từ gạo nếp. Chàng cùng mọi người chuẩn bị lá dong, gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn và gói thành 1 thứ bánh vuông, bọc lá xanh. Mọi người cùng nhau đồ xôi bằng gạo nếp sau đó giã nhuyễn và nặn thành 1 thứ bánh mịn màng, cẩn thận cho từng cái bánh.
Ngày hội lớn đầu năm đã đến, mọi người nô nức mang sản vật mà mình đã chuẩn bị để dâng lên vua cha. Đến lượt mình mâm bánh của Lang Liêu trình lên, thấy lạ ai cũng xúm lại xem. Vua Hùng sau khi nêm thử và được nghe ý nghĩa của hai loại bánh. Ông chọn lễ vật Lang Liêu dâng để tế trời đất và đặt tên cho bánh hình vuông là bánh chưng và bánh hình tròn là bánh dày. Ông cũng chọn Lang Liêu là người nối ngôi báu. Từ đó nhân dân ta có tục gói bánh chưng và giã bánh dày trong dịp tết, chọn những cái ngon nhất đẹp nhất bày lên bàn thờ cúng tổ tiên.
Để biết rõ hơn về những cuốn sách này các em hãy tìm tại tủ sách truyện cổ tích Việt Nam mã màu đỏ nhé!
Cuối cùng cô xin chúc các em đón Tết thật vui vẻ và bình an! Xin chào và hẹn gặp lại các em!